DƯỢC LIỆU HOÀI SƠN CÓ ÍCH LỢI GÌ CHO SỨC KHỎE
Tên khác: Sơn Dược, Khoai mài, Củ mài, Chính Hoài
1.Nguồn gốc của cây Hoài sơn
Cây Hoài Sơn còn gọi là sơn dược, khoai mài, củ mài, chính hoài. Tên khoa học Dioscorea persimilis Prain et Burk. (Dioscorea oppositifolia Lour.). Thuộc hok Củ nâu Dioscoreaceace.[1]
Hoài sơn hay sơn dược (Rhizoma Dioscoreae) là thân rễ cây củ mài (Dioscorea persimilis) cạo vỏ, sơ bộ chế biến rồi sấy khô.[1]
Chi Dioscorea được đặt theo tên bác sĩ Hy Lạp cổ đại và nhà thực vật học Dioscorides. Theo Ayensu ES. Và cs (1972) chi này bao gồm hơn 600 loài, thuộc nhóm cây một lá mầm chủ yếu được trồng ở Nam Mỹ, Châu Á và Tây Phi. Theo Jean và cs (1992) bộ Dioscoreales được xác định có niên đại khoảng 124 triệu năm trước. Hầu hết các loài thuộc chi Dioscorea đều có nguồn gốc ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Đại Dương, xuất hiện cách ngày nay khoảng 10.000 năm (Khoai mỡ) và du nhập sang các vùng khác.[2]
2. Mô tả chung về cây Hoài sơn
Cây Hoài Sơn (Dioscorea persimilis Prain & Burkill) là một trong số hàng trăm loài thuộc chi Dioscorea, họ Củ Nâu Dioscoreaceaceae, được ghi nhận là một trong những cây hoang dại làm lương thực lâu đời nhất. Họ Dioscoreaceae có thể là một nhóm cổ nhất trong thực vật hạt kín. Theo Burkill (1960) nhiều loài của chi Dioscorea dường như có nguồn gốc ở Đông Nam Á, đặc biệt hai loài hoang dại có quan hệ gần gũi với khoai mỡ (D.alata) ở nước ta đã được mô tả là D.hamiltomia phân bố tự nhiên từ phía bắc của bán đảo Malaysia tới Tây Bắc của Ấn Độ và D.persimilis phân bố ở phía Đông; từ Nam Trung Quốc tới Nam Đài Loan. Hai loài này gần giống D.alata của Đông Nam Á này đều có củ dài, được vùi sâu dưới đất đảm bảo an toàn trước sự tấn công của những con lợn hoang dã (Nguyễn Thị Ngọc Huệ và Đinh Thế Lộc, 2005).[2]
Cây củ mài là một loại dây leo ở trên mặt đất, có thân củ. Củ có thể dài 1m, đường kính 2-10cm với thân nhiều rễ con. Thân cây nhẵn hơi có góc cạnh. ở kẽ lá có những củ con gọi là “thiên hoài” hay “dái củ mài”. Lá đơn, mọc đối hoặc có khi so le, đầu lá nhọc phía cuống hình tim. Phiến lá dài 8-10cm, rộng 6-8cm. Cuống dài 1,5-3,5cm. Hoa đực hoa cái khác gốc. Quả khô có ba cạnh và có dìa. Mùa hoa vào tháng 7-8. Mùa quả vào tháng 9-11.[1]
3.Phân bố, chế biến và thu hái
Theo nhiều tài liệu đã công bố, cây Hoài sơn có nguốn gốc châu Á, các dạng hoang dại phân bố nhiều ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam (Nguyễn Thị Ngọc Huệ và Đinh Thế Lộc, 2005).[2]
Mọc hoang ở khắp những vùng rừng núi nước ta. Trước đây, giữa các vụ thu hoạch nhân dân vẫn đi đào củ mài để ăn chống đói. Nhiều nhất tại các tỉnh Hà Bắc, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hiện nay ta đã bắt đầu trồng củ mài để chế hoài sơn vì nếu chỉ trông vào cây mọc hoang thì công đi tìm đào rất cao.[1]
Mùa đào củ mài tốt nhất vào mùa đông và đầu xuân (từ tháng 10-11 đến tháng 3-4). Muốn có hoài sơn phải chế như sau:
Củ mài đào về, rửa sạch đất, gọt vỏ rồi cho vào lò sấy diêm sinh trong 2 ngày hai đêm, lấy ra phơi khô là được. Nhưng nếu muốn có hình dáng đẹp dùng cho xuất khẩu cần chế biến phức tạp hơn.[1]
Củ mài sau khi đào về phải chế biến ngay trong vòng ba ngày nếu không sẽ hỏng. Việc chế biến gồm có 3 giai đoạn:
-
Sấy diêm sinh lần thứ nhất:
Sau khi gọt vỏ đen xông diêm sinh (110kg củ mài phải dùng 2kg diêm sinh). Trong lò sấy xếp củ mài thành hình cũi lợn để cho các củ đều hưởng được hơi diêm sinh. Sau khi sấy 2 ngày 2 đêm, cần ủ lại một đêm, rồi phơi nắng nhỏ hoặc sấy nhẹ cho khô. Đem ngâm nước lã 2 ngày 2 đêm rồi rửa sạch và phơi nắng cho khô.[1]
-
Sấy diêm sinh lần thứ hai:
Lại xếp hoài sơn vào là như lần trước rồi đốt diêm sinh trong 1 ngày 1 đêm (100kg củ mài phải dùng 1kg diêm sinh). Khi nào củ mài mềm như chuối là được. Nếu chưa mềm cần sấy diêm sinh lại. Sấy xong ủ trong vại, đậy vại bằng bao tải có nhúng nước. Đợi 1 ngày 1 đêm, đem ra sửa chữa củ mài cho đều đặn rồi đặt lên ván mà lăn. Lăn đến khi hai đầu củ mài lõm vào. Đem phơi nắng nhỏ hoặc sấy nhẹ cho hơi khô, sửa lại lần nữa cho miếng củ mài thật đẹp rồi lại lăn lần nữa cho nhẵn bóng và phơi thật khô. Nhúng nhanh vào nước lấy ra dùng giấy ráp đánh cho bóng.[1]
-
Sấy diêm sinh lần thứ ba:
Trước khi đóng hòm lại sấy diêm sinh lần nữa. Cứ 100kg củ mài lần này chỉ dùng 200g diêm sinh. Sấy ttrong 1 ngày 1 đêm. Khi đóng hòm phải phân loại ra nhiều hạng.
Hạng nhất: 4 khúc hoài sơn nặng 0,500kg.
Hạng hai phải 6 khúc.
Hạng ba tám khúc, hạng bốn 10 khúc, hạng năm 12 khúc và hạng sáu 14 khúc nặng nửa kilôgam.
Tại Trung Quốc người ta cũng chế loại hoài sơn như thế này để xuất khẩu gọi là quang sơn dược. Tuy nhiên cách chế biến đơn giản hơn. Chọn củ mài tươi và to, cạo sạch vỏ, xông hơi diêm sinh rồi sấy khô. Sau đó ngâm nước một ngày. Hơi đun cho chín. Đem ra lăn cho tròn, cắt thành từng khúc dài 12-23cm, đánh bóng phơi khô rồi chọn lựa như trên rồi đóng gói. Chúng tôi thấy ta có thể đơn giản cách chế biến cho đỡ tốn công.[1]
4.Thành phần hóa học
Ngoài tinh bột ra trong hoài sơn của Trung Quốc và Nhật Bản các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã lấy ra chất muxin là môtj loại protit nhớt, allantoin, axit amin, acginin và cholin. Ngoài ra còn có mantaza là mem tiêu hóa mantoza. Về mặt thực phẩm, trong củ mài có chừng 63,25% chất bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất protit.[1]
Gần đây người ta có tìm thấy trong một số giống Dioscorea chất saponin có nhân sterol. Tóm lại ngoài giá trị dinh dưỡng, hoạt chất của hoài sơn chưa rõ ràng.[1]
5.Tác dụng dược lý
- Chất muxin hòa tan trong nước; trong điều kiện axit loãng và nhiệt độ phân giải thành chất protit và hydro cacbon. Có tính chất bổ.[1]
- Ở nhiệt độ 45-50 khả năng thủy phân chất đường của mem trong hoài sơn rất cao, trong axit loãng trong 3 giờ có thể tiêu hóa 5 lần trong lượng đường.[1]
- Thực Phụ (Nhật Bản) đã dụng hoài sơn chữa khỏi một trường hợp đi đái đường đã dùng insulin không khỏi.[1]
6.Công dụng và liều dùng
Ngoài việc dùng để ăn, chống đói, hoài sơn còn là vị thuốc.
Trong đông y hoài sơn được coi là một vị thuốc bổ và hơi có tính chất thu sáp, dùng trong những trường hợp ăn uống khó tiêu, viêm ruột kinh niên, di tinh, tiểu đêm, mồ hôi trộm, đái tháo đường.[1]
Theo tài liệu cổ hoài sơn vị ngọt tính bình, vào 4 kinh tỳ, vị, phế và thận. Có tác dụng mạnh cổ tỳ vị, chỉ tả, bổ phế thận, sinh tâm chỉ khát, bình suyễn, sáp tinh. Dùng chữa tả, lỵ lâu ngày, tiêu khát, hư hao sinh ho, di tinh, đới hạ, tiểu tiện nhiều lần. Liều dùng ngày uống 10-20g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.[1]
Với vô số đặc tính có lợi, cây sơn dược đã trở thành một thành phần phổ biến trong nhiều bài thuốc có sẵn trên thị trường. Một sản phẩm đặc biệt đã thu hút được nhiều sự quan tâm và mang lại những lợi ích vượt trội đó là VÂN NAM BẠCH DƯỢC. Để biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm này, vui lòng bấm vào đây: VÂN NAM BẠCH DƯỢC.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, (năm 2006), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (864-865)
- Trần Thị Ly, (2020), Nghiên cứu ảnh hưởng của biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng, phát triển Hoài Sơn tại Thái Nguyên, Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm.
- Tianxu Cao, Qianglong Zhu, Xin Chen (2020). The complete chloroplast genome sequence of the Dioscorea persimilis Prain et Burkill (Dioscoreaceae). Mitochondrial DNA B Resour, 5(1):451-452.
- Nguyen Thi Thanh Ngan, Nguyen Huy Hoang, Nguyen Thu Hien (2020). Cytotoxic phenanthrenes and phenolic constituents from the tubers of Dioscorea persimilis. Phytochemistry Letters, 40: 139-143.
Internet
- http://www.efloras.org/florataxon.aspx?flora_id=2&taxon_id=200028129